Lịch sử Corse

Đại lộ ven biển tại AjaccioBản đồ Corse của Piri Reis.

Corse đã có con người cư trú liên tục từ thời kỳ đồ đá giữa. Dân cư bản địa tại Corse đã có ảnh hưởng tới vùng Địa Trung Hải trong suốt thời tiền sử.

Sau một thời gian ngắn bị người Carthage chiếm đóng, bị người Hy Lạp cổ đại thuộc địa hóa, và bị người Etrusca chiếm đóng một khoảng thời gian ngắn, đảo bị Cộng hòa La Mã sáp nhập và trở thành một tỉnh của đế quốc La Mã cùng với Sardegna.

Trong thế kỷ 5, đế quốc La Mã sụp đổ và hòn đảo bị người Vandal, người Visigoth, người Saracen, và người Lombard xâm chiếm. Pepin Lùn, vua của người Frank và cha của Charlemagne, đã trục xuất những kẻ xâm lược và trao Corse cho Giáo hoàng Stêphanô II thông qua giám mục Ravenna (756).

Người Genova đã nắm quyền sở hữu hòn đảo vào năm 1347, và quản lý nó cho đến năm 1729, chỉ bị gián đoạn trong một thời gian ngắn khi đảo bị một liên minh Pháp-Ottoman xâm chiếm Corsica trong một thời gian ngắn.

Corse độc lập

Năm 1729, Cách mạng Corse nhằm giành lấy độc lập bắt đầu bùng phát. Sau 26 năm đấu tranh chống lại Cộng hòa Genova, Cộng hòa Corse độc lập đã được thành lập vào năm 1755 dưới sự lãnh đạo của Pasquale Paoli và giữ được chủ quyền cho đến năm 1769 khi bị người Pháp chinh phục. Hiến pháp đầu tiên của Corse được Paoli viết bằng tiếng Ý (ngôn ngữ văn hóa tại Corse cho đến cuối thế kỷ 19). Ông tuyên bố rằng tiếng Ý là ngôn ngữ chính thức của Corse.

Cộng hòa Corse đã không thể đuổi người Genova khỏi các căn cứ chính ở ven biển. Sau khi Pháp thất bại trong Chiến tranh Bảy năm, người Pháp đã mua Corse từ Cộng hòa Genova vào năm 1764. Sau một thông cáo và cuộc chiến tranh ngắn ngủi 1768–69, sự kháng cự của người Corse phần lớn đã chấm dứt sau trận Ponte Novu. Mặc dù gây nên cuộc khủng hoảng Corse tại Vương quốc Anh, song người Corse đã không nhận được hỗ trợ quân sự ngoại quốc nào. Corse bị hợp nhất vào Pháp từ năm 1770, đánh dấu việc Corse bị mất chủ quyền. Tuy nhiên, tình cảm dân tộc chủ nghĩa vẫn còn dâng cao.

Sau khi Cách mạng Pháp bùng nổ vào năm 1789, Pasquale Paoli đã có thể trở về Corse sau khi lưu vong tại Anh. Năm 1794, ông đã mời quân Anh dưới quyền tử tước Samuel Hood can thiệp để giải phóng Corse khỏi sự kiểm soát của Pháp. Quân Anh-Corse đã đẩy người Pháp ra khỏi đảo và lập nên một Vương quốc Anh-Corse. Sau khi Tây Ban Nha tham gia vào cuộc chiến, người Anh đã quyết định rút lui khỏi Corse vào năm 1796. Corse sau đó trở lại dưới quyền cai quản của Pháp.

Năm 1814, gần thời điểm kết thúc Các cuộc chiến tranh của Napoléon, hòn đảo lại bị người Anh xâm chiếm trong một thời gian ngắn. Hiệp ước Bastia đã thiết lập chủ quyền hoàng gia Anh đối với hòn đảo, song sau đó Tử tước Castelreagh đã bác bỏ điều này và khẳng định hòn đảo phải được trao trả lại cho một nền quân chủ phục hồi của Pháp.

Tại Corse, hận thù là một điều lệ của xã hội, theo đó người Corse được yêu cầu phải giết chết bất kỳ ai hủy hoại danh dự gia đình. Từ năm 1821 đến 1852, không dưới 4.300 vụ án mạng đã xảy ra tại Corse.[3]

Corse hiện đại

Sau khi Pháp sụp đổ trước Đức Quốc xã vào năm năm 1940, đảo nằm dưới sự cai quản của chính phủ Vichy. Đảo được người Ý và Lực lượng Pháp tự do giải phóng một thời gian ngắn sau thỏa thuận đình chiến giữa Ý và Đồng Minh vào năm 1943, sau đó đảo được sử dụng để làm căn cứ tấn công vùng do Đức chiếm đóng tại Ý.

Trong Thế chiến II, hòn đảo có biệt danh là "USS Corsica", do quân đội Hoa Kỳ đã lập ra 17 đường băng tại Corse để phục vụ cho việc ném bom chiến thuật tấn công các mục tiêu tại Ý. Một trong số các phi công đồn trú tại đảo là Joseph Heller, sau đó ông đã lấy những kinh nghiệm thời chiến của mình để viết nên cuốn tiểu thuyết Catch-22.

Trong cuộc khủng hoảng tháng 5 năm 1958, các lính dù Pháp từ quân đoàn Algérie đã đổ bộ lên Corse vào ngày 24 tháng 5, tiến hành một hành động không đổ máu trên đảo gọi là "Chiến dịch Corse."[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Corse http://www.corsica-isula.com/downloads/Corsican_Vi... http://www.globaltwitcher.com/artspec_information.... http://books.google.com/books?id=udhEAAAAYAAJ&pg=P... http://www.meteofrance.com/climat/france http://www.meteofrance.com/climat/france/station/2... http://digital.lib.msu.edu/projects/cookbooks/book... http://epp.eurostat.ec.europa.eu/pls/portal/docs/P... http://www.infoclimat.fr/climatologie-07761-ajacci... http://www.insee.fr/fr/insee_regions/corse/themes/... http://www.terracorsa.info/chestnut/chestnut.html